KHI NÓI CHUYỆN VỚI NGƯỜI KHÁC, TA SẼ GỌI GIA ĐÌNH MÌNH NHƯ THẾ NÀO?
Phụ nữ thường gọi chồng mình là “otto/夫” hoặc “shujin/主人”. Thế hệ trẻ hoặc những phụ nữ có cách suy nghĩ tân thời có vẻ hay sử dụng cách gọi “otto/夫”. Cũng có người gọi chồng là “danna/だんな”, nhưng đây là cách nói pha chút hài hước, không phải lúc nào cũng có thể sử dụng được. Các em lưu ý là tuyệt đối chúng ta không nói “go-shujin/ご主人”. Trường hợp thân thiết với đối phương, và người đó cũng biết tên chồng mình, cũng có khi người ta gọi chồng bằng tên và thêm “~ san/~さん” ở phía sau.
Đàn ông hay gọi vợ mình là “tsuma/妻”, “kanai/家内”, “nyoubou/女房” …. Trong quá khứ, phổ biến là cách gọi “kanai/家内”, nhưng hiện nay thầy nghĩ “tsuma/妻” được sử dụng rộng rãi hơn. Trường hợp đối phương biết tên vợ mình, cũng có khi người ta gọi vợ bằng tên (không thêm “~ san/~さん” ở phía sau).
Khi nói về cha mẹ mình thì người ta sử dụng cách gọi “chichi/父” (bố tôi), “haha/母” (mẹ tôi). Nếu gọi “otousan/お父さん” (với ý nghĩa: bố tôi), “okaasan/お母さん” (với ý nghĩa: mẹ tôi) sẽ tạo cho đối phương ấn tượng là người này hơi trẻ con. Nói về ông bà mình thì người ta sử dụng cách gọi “祖父/sofu” (ông tôi), “祖母/sobo” (bà tôi). Thông thường, người Nhật không phân biệt bên nội, bên ngoại. Trường hợp đối phương là người thân thiết với mình, các em có thể sử dụng cách gọi “ojiisan/おじいさん”, “obaasan/おばあさん” cũng không vấn đề gì. Nói về anh chị em ruột thì người ta dùng cách gọi “ani/兄” (anh trai tôi), “ane/姉” (chị gái tôi), “otouto/弟” (em trai tôi), “imouto/妹” (em gái tôi). Nói về con của mình thì người ta dùng cách gọi “kodomo/子ども” (con tôi), “musuko/息子” (con trai tôi), “musume/娘” (con gái tôi). Nếu đối phương biết tên của con mình, cũng có khi người ta gọi bằng tên (không thêm “~ san/~さん” ở phía sau). Khi gọi con cái của con mình, người ta dùng cách nói “mago/孫” (cháu tôi), hoặc có khi chỉ gọi đơn thuần bằng tên không.
nihongoplus.edu.vn