GỌI ĐỐI PHƯƠNG NHƯ THẾ NÀO?

Khi cuộc nói chuyện diễn ra giữa 2 người hoặc một vài người, chúng ta sẽ gọi đối phương hoặc những người có mặt ở đó như thế nào? Thường thì chúng ta thêm “~ san” sau tên của họ. Nếu đối phương là giáo viên hoặc bác sỹ, hoặc là người dạy chúng ta một cái gì đó, chúng ta gọi họ bằng cách thêm “~ sensei” sau tên của họ hoặc đơn giản gọi họ là “sensei”.

Vậy, trường hợp đối phương là người chúng ta gặp lần đầu tiên, tên và công việc của họ chúng ta đều không biết thì sẽ như thế nào? Đây là một bài toán khó với chính bản thân người Nhật. Những lúc như vậy thường người Nhật sẽ hỏi những câu mà không cần gọi đến tên đối phương, đại loại như “Itsu betonamu ni irasshaimashita ka. (Anh/chị đến Việt Nam khi nào vậy?)”, “Donna oshigoto desu ka. (Anh/chị làm công việc gì vậy?)”, etc… Khi đã biết nghề nghiệp hoặc thân thế của đối phương, chúng ta có thể gọi họ là “sensei (thầy)”, “shachou-san (giám đốc)”, “kachou-san (trưởng phòng)”, “tenchou-san (chủ tiệm)”, mà không cần phải biết tên của họ. 

Điều quan trọng là, các em không được dùng cách xưng hô “anata”. “Anata”, trong văn nói, được dùng khi gọi người dưới mình, hoặc khi muốn phê phán mạnh mẽ đối phương mà không phân biệt trên/ dưới. Khi bị gọi là “anata” thì chắc chắn là sẽ có nhiều người cảm thấy không thoải mái.

Cách gọi “~ san” có thể sử dụng rất rộng rãi. Thầy đã từng chứng kiến một phiên dịch người Việt Nam gọi tên một ca sỹ người Nhật là “~ kashu (ca sỹ ~)” trên sân khấu của một nhà hát ở Hà Nội, nhưng đây là ảnh hưởng của tiếng Việt. Trong tiếng Nhật, người ta đơn thuần dùng cách gọi “~ san”. Dù là ca sỹ hay nghệ sỹ piano, nghệ sỹ nhân dân hay tiến sỹ, trong văn cảnh cá nhân hay công cộng (ví dụ như phỏng vấn trên truyền hình, etc…), khi gọi tên đối phương, thông thường chúng ta dùng “~ san” là đủ.

nihongoplus.edu.vn